UBND TPHCM gặp mặt các doanh nghiệp CNTT-TT:1 tỷ USD và ngành “không thể thiếu”
Chủ nhật, 23/03/2008, 01:51 (GMT+7)
Trên địa bàn TPHCM có 8.500 doanh nghiệp CNTT với tổng số vốn đăng ký là 3,6 tỷ USD, doanh thu năm 2007 đạt hơn 1 tỷ USD. Thế nhưng, những đóng góp to lớn thực sự của ngành công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) không chỉ là con số doanh thu 1 tỷ USD đó.
Tăng trưởng đồng bộ
Theo báo cáo của Sở Bưu chính – Viễn thông TPHCM, năm 2007 là năm tăng trưởng vượt bậc về các dịch vụ thông tin, viễn thông. Số lượng thuê bao điện thoại của thành phố là 10 triệu máy đạt tỷ lệ 125 máy/100 dân. “Không chỉ bùng nổ về số lượng dịch vụ viễn thông di động, còn có sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng Internet và số lượng doanh nghiệp CNTT”, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính – Viễn thông TPHCM khẳng định. Ông Lê Mạnh Hà cho biết, đến nay số lượng thuê bao Internet băng thông rộng là 380.000 (tăng 60% so với năm 2006), số điểm Internet công cộng đạt hơn 6.000 điểm (tăng 44,7% so cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn TPHCM có 8.500 doanh nghiệp CNTT với tổng số vốn đăng ký là 3,6 tỷ USD, doanh thu năm 2007 đạt hơn 1 tỷ USD. Về xây dựng chính phủ điện tử, TPHCM có 34 sở ngành đã trang bị hạ tầng CNTT, 8 sở ngành đã triển khai vào ứng dụng. 23/24 quận huyện trên địa bàn TP đã đầu tư chính phủ điện tử theo mô hình chung.
Kỳ vọng
Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội tin học TPHCM (HCA) và là Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), ông Chu Tiến Dũng nhận thấy, qua thực tế việc hình thành một khu riêng để phát triển công nghiệp phần mềm đã phát huy hiệu quả. Sau 7 năm đi vào hoạt động, QTSC đã thu hút 89 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, sản xuất với số vốn trên 50 triệu USD. Trong đó, có 7 doanh nghiệp đạt doanh số trên 1 triệu USD, 5 doanh nghiệp có quy mô trên 100 đến 500 người. Dự kiến đến năm 2010, công viên sẽ có 2 doanh nghiệp đạt quy mô 1.000 người và có doanh nghiệp đạt doanh thu từ 70-100 triệu USD.
Tuy nhiên để đạt được kết quả trên, ông Chu Tiến Dũng mong muốn về phía lãnh đạo thành phố cũng như UBND cần phải có một kế hoạch chi tiết về quy hoạch kiến trúc khu công viên để không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư trong khuôn viên. Bên cạnh đó, thành phố cần có thêm những văn bản định hướng, cam kết rõ ràng để các doanh nghiệp CNTT an tâm về môi trường đầu tư để định hướng phát triển lâu dài. Khẳng định sự quan tâm cũng như kỳ vọng vào những kết quả do CNTT đem lại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cho biết, những năm gần đây thành phố đã nhận thức được tầm quan trọng của phát triển, ứng dụng CNTT trong hoạt động cũng như cải cách hành chính cơ quan nhà nước.
Điều đó đã được UNBD thành phố cụ thể hóa trong đề án chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn ưu tiên dành vốn đầu tư, xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học phát triển 4 ngành công nghiệp là cơ khí chế tạo máy, điện tử – công nghệ thông tin, hóa chất công nghệ cao và công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm. “Bây giờ là lúc mà người ta không thể làm gì nếu không có CNTT-TT. UBND thành phố mỗi ngày nhận, chuyển hàng chục nghìn công văn các loại, nếu như không có sự trợ giúp đắc lực của CNTT thì lãnh đạo Ủy ban khó mà hoàn thành được nhiệm vụ. Vì vậy, có thể khẳng định, kết quả của CNTT và trong đó có các giải pháp Chính phủ điện tử đã góp phần nâng cao hiệu quả điều hành quản lý nhà nước”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét